Bổ sung sắt cho bà bầu theo khuyến cáo WHO 2023 - Liều lượng và lưu ý!
Quỳnh
CN 24/03/2024
Nội dung bài viết
Trong một khuyến cáo mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung sắt và acid folic hàng ngày trong suốt thai kỳ. Khuyến cáo này được đưa ra dựa trên thực tế hơn 40% phụ nữ mang thai trên toàn cầu bị thiếu máu, và ít nhất một nửa trong số đó là do thiếu sắt. WHO khuyến nghị phụ nữ mang thai nên uống bổ sung từ 30-60mg sắt nguyên tố và tối thiểu 400μg (0,4mg) acid folic mỗi ngày, bắt đầu càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi thụ thai (ít nhất một tháng trước khi mang thai). Việc bổ sung này sẽ giúp ngăn ngừa thiếu máu ở mẹ, nhiễm trùng hậu sản, trẻ sinh nhẹ cân và sinh non, đồng thời hỗ trợ phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Liều lượng sắt và acid folic cho bà bầu theo khuyến cáo mới nhất của WHO?
Khuyến cáo của WHO [1] có nói rõ “Phụ nữ chuẩn bị có thai và trong thai kỳ nên uống từ 30-60mg sắt nguyên tố và 0.4mg (hay 400 mcg) acid folic để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt trong và sau thai kỳ”. Uống sắt thì uống cùng vitamin C và uống lúc đói và mẹ nhớ xổ giun trước khi mang thai.
WHO khuyến cáo bổ sung từ 30-60mg sắt và tối thiểu 400mcg acid folic mỗi ngày từ trước khi mang thai
Khi nào cần bổ sung sắt cho trẻ nhỏ? Liều bổ sung sắt cho trẻ được xác định như thế nào?
Sắt và chất dinh dưỡng sẽ truyền cho bé trong 3 tháng cuối thai kỳ [2], nhiều nhất vào tháng cuối cùng (tuần 37-40). Điều nay mang 2 nghĩa:
• Trẻ em sinh đủ 40 tuần thì trong 6 tháng đầu đời không cần bổ sung sắt dù sữa mẹ rất ít sắt vì con đã có dự trữ
• Trẻ sinh từ 37-40 tuần NÊN LƯU Ý vấn đề Thiếu máu thiếu sắt khi bé từ 4-6 tháng tuổi (nên xét nghiệm kiểm tra trước khi quyết định bổ sung)
• Trẻ sinh non tháng trước 37 tuần hoặc cân nặng lúc sinh <2.5kg thì thường mình sẽ bổ sung sắt liều sinh lý từ bé luôn để tránh nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
• Trẻ 4- 12 tháng tuổi: 1mg/kg/ngày, tối đa 11 mg/ngày.
• Trẻ 1 – 3 tuổi: 1 mg/kg/ngày, tối đa 15 mg/ngày
Cách đọc liều, tính liều sắt ở thuốc/ vitamin bổ sung cho bầu
Mẹ bầu hay nhầm lẫn giữa sắt công thức và sắt nguyên tố. Cụ thể, 60 mg sắt nguyên tố là nguyên tố sắt chứa trong viên thuốc sắt chứ không phải là uống viên sắt 60 mg. Ví dụ 180mg sắt fumarat sẽ quy đổi về 80mg sắt nguyên tố. Vậy bà bầu cần lựa chọn sắt hàm lượng như thế nào để bổ sung đúng và đủ?
Ví dụ về cách đọ hàm lượng sắt của Elevit bầu và sắt Ferovit
Trên thị trường hiện nay có một số dạng sắt, các mẹ có thể đối chiếu lại sản phẩm mình đang bổ sung và quy đổi (nếu cần) cho đúng:
• Ferrous sulfate heptahydrate: 1 viên 300 mg tương đương 60 mg sắt nguyên tố
• Ferrous fumarate : 1 viên 180 mg tương đương 60 mg sắt nguyên tố
• Ferrous gluconate: 1 viên 500 mg tương đương 60 mg sắt nguyên tố
Ví dụ:
• Ví dụ 1: Với elevit bầu: Iron (as ferrous fumarate): 60mg
Được hiểu đúng là: Trong mỗi viên Elevit bầu chứa 60mg sắt nguyên tố trong trường hợp này là sử dụng sắt hữu cơ Fumarate
• Ví dụ 2: Trong sắt Ferovit - Sắt Fumarate: 162,00 mg
Được hiểu đúng là: Trong mỗi viên Ferovit chứa 162 mg sắt Fumarate quy đổi về sắt nguyên tố sẽ là 52,25 mg
Kết luận
Như vậy, khuyến cáo mới nhất của WHO về bổ sung sắt cho bà bầu đưa ra những lời khuyên hữu ích và đáng tin cậy cho các mẹ bầu. Theo đó, liều lượng sắt cho phụ nữ mang thai là từ 30-60mg sắt nguyên tố kết hợp tối thiểu 400μg acid folic mỗi ngày, bắt đầu uống trước khi mang thai và duy trì trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu cũng cần lưu ý phân biệt sắt nguyên tố và sắt công thức khi chọn sản phẩm bổ sung sắt cho bà bầu.
Ngoài ra, sau sinh, mẹ cũng cần quan tâm đến việc bổ sung sắt cho con ở liều lượng phù hợp theo độ tuổi để phòng ngừa thiếu máu ở trẻ.
Hy vọng những khuyến cáo về sắt cho bà bầu của WHO sẽ giúp các mẹ bầu và em bé khỏe mạnh, phát triển toàn diện trong suốt thai kỳ và sau khi chào đời.
Tài liệu tham khảo
[1] Khuyến cáo mới nhất của WHO về bổ sung sắt và acid folic cho bà bầu: https://www.who.int/tools/elena/interventions/daily-iron-pregnancy
[2] Khuyến cáo về bổ sung sắt hằng ngày cho bà bầu: https://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD004736.pub5/full
Dược sĩ Đại học Hải Quỳnh Đã kiểm duyệt nội dung
Tốt nghiệp chuyên ngành Dược lâm sàng, Đại học Y Dược Tp Hồ Chí Minh, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm.